• Tin tức sự kiện
  • Tọa đàm “Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường lao động tại Việt Nam”

Tọa đàm “Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường lao động tại Việt Nam”

       Thực hiện kế hoạch số 05/KH-TCNH ngày 16/05/2025, sáng nay, ngày 19/06/2025, tại khu giảng đường Khoa Tài chính – Ngân hàng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường lao động tại Việt Nam”.
       Đến tham dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của TS. Nguyễn Văn Quang – Trưởng khoa TCNH (Chủ tọa) cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa TCNH, tạo nên không khí học thuật sôi nổi, và góp phần định hướng chiến lược nghiên cứu, giảng dạy trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển mình mạnh mẽ.
      Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Quang phát biểu khai mạc
TS. Nguyễn Văn Quang phát biểu khai mạc
        Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và giảng viên đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhiều chủ đề sâu sắc, mang tính học thuật cao, bám sát thực tiễn thị trường lao động trong nước và quốc tế. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng biến động do tác động của hội nhập kinh tế và chuyển đổi số. Với việc dự kiến thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) vào tháng 5/2025, các chuyên đề tham luận tại hội thảo tập trung phân tích sâu sắc cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của BHTN. Các tham luận của hội thảo góp phần cung cấp nền tảng, chia sẻ các trường hợp điển hình, những bài học thành công và thất bại, giúp các bên học hỏi và áp dụng những giải pháp hiệu quả nhất. Đồng thời đây sẽ là cơ hội để các giảng viên trao đổi về các vấn đề liên quan, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho các giảng viên và sinh viên của Khoa. Nổi bật là các tham luận:
       Tham luận của ThS. Nguyễn Bá Tùng: “Công tác quản lý Bảo hiểm thất nghiệp tại thị trường lao động Việt Nam: Vấn đề và giải pháp”: Phân tích với các số liệu rất cụ thể cho thấy bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là cứu cánh cho người lao động, mà còn là công cụ chính sách góp phần tạo động lực phát triển kinh tế bền vững. Việc tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp tăng tính chủ động của người lao động, tạo niềm tin cho xã hội và hỗ trợ điều tiết cung – cầu lao động.
ThS. Nguyễn Bá Tùng trình bày tham luận
       Tham luận của TS. Mai Tuấn Anh: “Tác động của mô hình bảo hiểm thất nghiệp Bắc Âu đối với an sinh xã hội và thị trường lao động”. Các mô hình đến từ Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch được chia sẻ như một bài học kinh nghiệm về cách tích hợp hiệu quả giữa bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề, chính sách phúc lợi xã hội. Việc áp dụng linh hoạt các nguyên lý thành công của mô hình này có thể giúp Việt Nam cải cách hệ thống hiện hành.
TS. Mai Tuấn Anh trình bày tham luận
        Tham luận của ThS. Nguyễn Thùy Linh: ‘Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ nhóm lao động trẻ chuyển đổi nghề nghiệp – Hướng đi cho thị trường lao động tương lai”. Lực lượng lao động trẻ là nhóm có khả năng thích nghi tốt, nhưng cũng dễ bị tổn thương khi thị trường biến động. Bảo hiểm thất nghiệp cần có cơ chế riêng để hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn nghề nghiệp, định hướng lại kỹ năng cho nhóm lao động này, qua đó giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động.
ThS. Nguyễn Thùy Linh trình bày tham luận
       Tham luận của TS. Lương Văn Hải: “Những hạn chế trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Một số tồn tại được chỉ ra bao gồm: thời gian chi trả ngắn, chưa khuyến khích người lao động chủ động học nghề, chính sách hỗ trợ tìm việc còn rời rạc, thiếu liên kết với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động chỉ nhận trợ cấp mà không tái tham gia vào thị trường đúng kỳ vọng.
TS. Lương Văn Hải trình bày tham luận
       Tham luận của ThS. Nguyễn Anh Tú: “Tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh phục hồi kinh tế và chuyển dịch lao động”. Các phân tích cho thấy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần có cơ chế sử dụng linh hoạt hơn, tránh dồn quá nhiều vào chi trợ cấp mà bỏ quên hỗ trợ tái đào tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn hậu COVID-19, cần tính toán kỹ để đảm bảo khả năng chi trả và hiệu quả sử dụng quỹ lâu dài.
ThS. Nguyễn Anh Tú trình bày tham luận
        Tọa đàm cũng đi sâu vào các vấn đề quản trị như công nghệ hóa quy trình quản lý, liên kết dữ liệu việc làm, đào tạo, trợ cấp, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện chính sách, cũng như đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp. Cuối cùng, các đề xuất như: xây dựng trung tâm giới thiệu việc làm chuyên sâu, tăng cường tư vấn nghề nghiệp, mở rộng chương trình đào tạo lại và kết nối với doanh nghiệp đã được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng “thụ động” trong tiếp cận việc làm hiện nay.
        Trong buổi tọa đàm, các ý kiến đóng góp và trao đổi của các giảng viên nêu bật các chính sách của thị trường Bảo hiểm thất nghiệp. TS. Trần Văn Hải – Trưởng bộ môn Bảo hiểm cũng có những ý kiến góp ý cho các tham luận vô cùng sâu sắc.
TS. Trần Văn Hải góp ý tham luận
        Buổi tọa đàm không chỉ là dịp để các cán bộ, giảng viên trong Khoa Tài chính – Ngân hàng cập nhật kiến thức, chia sẻ góc nhìn học thuật, mà còn là cơ hội để xây dựng những định hướng nghiên cứu mang tính thời sự, thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế – xã hội. Thông qua tọa đàm, nhận thức về vai trò to lớn của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường lao động đã được khẳng định. Những hạn chế, bất cập cũng được thảo luận một cách thẳng thắn, mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ và gợi mở những giải pháp cải cách mang tính hệ thống.
        Kết thúc buổi tọa đàm, tập thể giảng viên và cán bộ Khoa Tài chính – Ngân hàng càng thêm gắn kết, cùng chung tay hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đóng góp tích cực cho sự phát triển của trường Đại học Mở Hà Nội. Chúc cho Khoa Tài chính – Ngân hàng sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, là môi trường học thuật năng động, sáng tạo và luôn tiên phong trong các vấn đề nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng tầm nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng nước nhà trong thời kỳ mới.
Nguồn: Khoa Tài chính – Ngân hàng
Scroll
Close menu